Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Sao ngày xưa anh chẳng nói?


Cảm xúc đầu đời còn lưu đọng
của một cựu thành viên 10B Thăng Long
Xưa học cùng lớp, tôi thầm yêu,
                                   nhưng tha thiết…
Em là tất cả, là rung động đầu đời
Tôi thường tự ghép họ tên hai đứa,
Để mong được kết lứa, thành đôi…
Mỹ quay trở ném bom Hà Nội
Đạn bom rơi trên ngõ phố, sân trường
Từ đây, hai ngả chia đôi…
Tôi xa em với lời yêu chưa kịp ngỏ
Với tình đầu thầm nén chặt trong tim
Rồi giảng đường đại học,
Rồi tôi - em xa cách đôi miền…
Mỗi lần về thăm chốn cũ
Chầm chậm qua ngõ xưa,
Mong được gặp em,
   mà chẳng lần nào giáp mặt
Chắc em đã về ở bên chồng…
Tình cờ gặp em,
         nhưng trong tấm ảnh chung bè bạn
Em âm thầm ngồi góc xa
Ánh mắt xưa vẫn làm tôi xao xuyến, bồi hồi…
Tôi tìm thăm,
Em sống một mình với mẹ, bên căn gác nhỏ
Hương hoàng lan vẫn thoang thoảng đâu đây
Bên nhau, dòng kỷ niệm cũ ùa về…
Ngước mắt nhìn tôi, em khẽ hỏi:
- Sao ngày xưa anh chẳng nói?
Tôi lặng nhìn suối tóc đen xưa, nay đã điểm đôi sợi bạc
Lòng thắt se, mắt bỗng cay nhoà…
- Anh mong ước thời gian trở lại
Để cho anh được ngỏ một lời
Để hai ta được tựa bên nhau
Để ta được yêu, mối tình đầu, mãi mãi!
                                                          Phương Nam,
                             nhớ những ngày Hà Nội 40 năm trước (1972-2012)
Nhân đây, 10B-ThangLong xin tặng tác giả bài thơ trên:
- một tứ thơ của Nguyễn Thụy Kha:
Ðưa người yêu qua nhà người yêu cũ
Trong cơn mưa ban trưa
Thấy hồn mình tách thành hai nửa
Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa
- và một tứ thơ nữa, của Đặng Vương Hưng:
Bao giờ trở lại ngày xưa,
Nắng mưa chưa tỏ, buồn đau chưa từng
Em trong trắng đến vô cùng…
Còn anh trai tráng, trẻ trung… bất ngờ…

Trong lưu bút của Hoài...

10. Dear N!!! My old friend!
Sáng,  trưa,  chiều,  tối đến rồi lại trôi nhanh quá! Thời gian vẫn hững hờ trôi… nó không để ý đến sự lo âu và luyến tiếc của mọi người - nhất là chúng ta những học sinh sắp bước ra khỏi nhà trường - bước vào đời… phải không N?
Giờ đây, trước trang giấy trắng tinh, nhỏ,  xinh xinh này, tôi biết viết gì vào đây? Bây giờ tâm hồn tôi đang bị thu hút bởi buổi chia tay cuối năm. Đến lúc đó, tâm trạng mỗi người trong tổ ấm 10B sẽ như thế nào nhỉ? Có lẽ chỉ thể hiện bằng tấm lòng và cặp mắt của mình thôi, N nhỉ?
N thân mến! Chúng ta sắp phải xa nhau, xa tổ ấm 10B, sắp hết quãng đời học sinh ngây thơ và trong trắng này nhưng bạn chắc sẽ  không quên những kỷ niệm vui buồn với lớp, với tổ 3 chứ!
Ở tổ 3 chúng ta tập trung toàn những người “lắm mồm” (không, chính xác hơn là lắm lời) đúng không bạn? Trong lớp, không hiểu sao chúng ta rất hay cười, kể cũng “vô duyên” đấy chứ! và chắc rằng bạn không quên chúng ta bị cô giáo xạc cho một trận và cho đi học lớp “cán bộ dự bị” chứ? Kể cũng buồn cười nhỉ? Đấy, lại thế rồi! Tôi không sao sửa chữa được…
N ạ ! Không hiểu sao tôi nghe bạn gọi “cô con gái viên đại úy” là tôi rất buồn cười! Kể cũng ngộ nghĩnh đấy chứ! Rồi, những hôm họp chi đoàn, liên hoan lớp, chụp ảnh… và nhất là cả tổ 3 “ấm đầu” đi xem phim vào lúc mọi người đang yên giấc (21g30 mới bắt đầu chiếu) Và biết bao kỷ niệm êm đẹp của đời học sinh nó cứ trôi qua và để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ cho mỗi người… Xa bạn, tôi nhớ mãi người bạn trai hay cười, thông minh, cẩn thận… và nhất là có dụng cụ quang học mà Vật lý X chúng ta học (đùa “2 tẹo”, đừng giận nhé).
Giờ đây, chắc bạn đang ngon giấc ngủ “ngàn thu” hay bạn đang mơ mình là thuyền trưởng đang chỉ huy chiếc tàu của mình vượt bằng mọi khó khăn để về tới đích (tôi đoán vậy, vì đầu quyển sổ, bạn có để chiếc thuyền với “ảnh ảo” của bạn ở trong con thuyền đó).
Cuối cùng, tôi chúc bạn mạnh giỏi, luôn vui, hay hát và đạt mọi ước mơ của mình!
Con thuyền mang cánh buồm màu tím ơi! Dù có đi trên Thái Bình Dương hay trôi trên đại dương mênh mông, dù có đi xa hơn nữa, xa nữa nhưng cánh buồm màu tím hãy luôn nhớ nơi mình rời bến… Đó là tổ ấm 10B, ở đó có những người bạn cũ của mình. Chúc con thuyền của tổ 3 vạn sự tốt lành, vượt tất cả khó khăn để tới đích an toàn.
Bạn cùng tổ
Bạn tôi – N Hoài!
Bạn tôi ước mơ trở thành thủy thủ
Lái con thuyền màu tím quê hương
Lướt sóng gió trên đại dương mênh mông
Về tới đích an toàn thắng lợi
                      **
Ôi! Cánh buồm màu tím quê hương
Lững lờ trôi trên biển cả quê hương
Hãy nhớ đến nơi mi rời bến
10B thân yêu với những bạn quen!
Không biết bạn có muốn trở thành thủy thủ không? nhưng tôi cứ tặng vài câu thơ thẩn (cấm cười).
Good bye! <Người bạn “vô duyên” và “nghịch ngợm”>
11. Bạn N thân mến!
Thời gian trôi nhanh, chẳng còn bao lâu nữa “giờ phút chia tay” sẽ đến, thật buồn N nhỉ? Giờ đây, trước trang giấy trắng này, viết những dòng “ly biệt” – điều đó không ai muốn – nhưng đã thành quy luật rồi phải không N?
Thời gian bay nhanh như mũi tên xanh, chắc bạn còn nhớ hồi học ở trường Đoàn Kết 2B đấy chứ? Bây giờ hồi tưởng lại thì thật biết bao nhiêu những chuyện vui… Chắc bạn còn nhớ một giờ Văn năm lớp 7 (cô Thường dạy ấy mà), cô giáo đã nói Khôi sau này sẽ trở thành nhà Sửa sang “sắc đẹp” (chả là Khôi và Cần hôm ấy làm việc riêng trong lớp ấy mà)… thế rồi, cả lớp cười ồ lên… Nghĩ đến hồi ấy lại buồn cười bởi những buổi tập kịch “bắng nhắng”, “trẻ con” vô cùng…
Bạn N à! Thế là thấm thoát qua đi ba mùa “phượng đỏ”, tưởng rằng mỗi người sẽ phải học khác lớp, khác trường, nhưng lạ sao lớp “”7D” bị phân tán nhiều, song tôi, bạn và H vẫn được học cùng nhau đấy nhỉ? Vậy là ba năm cấp III, chúng ta cùng học tập, sinh hoạt dưới mái trường Thăng Long này và đến hôm nay, cái giờ phút hồi hộp sắp đến, mọi người phải chia tay nhau, bước vào đời…
N à! Dù phải từ biệt cuộc đời học sinh phổ thông này, tôi chắc cũng như bạn sẽ không quên những kỷ niệm vui buồn của năm học cuối cùng này đâu nhỉ? Ôi! 10B, cái tập thể nhỏ bé nhưng vô cùng thân thương! 10B ấy đã đánh dấu sự trưởng thành của mỗi chúng ta. Bạn hãy giữ mọi kỷ niệm về 10B nhé!
Phải xa mọi người, chia tay với bạn, tôi sẽ không bao giờ quên những buổi tập duyệt văn nghệ sôi nổi của chúng ta, cũng chẳng quên HN – người quản ca của lớp, một người cùng tổ vui tính – (song, cũng hay tếu và trêu người lắm đấy; kể lắm lúc tôi cũng bực cái tính này của bạn – đừng giận đấy).
Cuối cùng, chúc bạn luôn vui, khỏe, chúc bạn giành được mọi ước mơ cao đẹp của tuổi trẻ.
Good bye!
TB: Bạn N thân mến ơi! Nếu bạn về quê hương miền Nam yêu dấu thì cũng đừng quên người bạn “cùng phố” này nhé.
12. HN – bạn Cán sự Địa lý 10B thân mến!
Thời gian ơi xin ngừng trôi,
Cho ta sống lại quãng đời học sinh
Mặc. Thời gian nó vẫn hững hờ trôi, nó không để ý gì đến sự lo âu, buồn bã của chúng ta khi kỳ thi sắp đến và khi chúng ta xa nhau.
HN – Ngồi viết lưu niệm cho bạn vào lúc mọi người đang đắm chìm trong ‘cõi mộng thiên đường” và đây đó lắc đác tiếng “ve sầu” kêu. Nghe nó kêu, làm cho chúng ta cảm thấy “sầu” thật phải không N?
Ngày chia tay sắp đến, buồn, chán vô cùng. Lớp chúng ta, mỗi người sẽ đi mỗi nơi để thực hiện những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ.
Chia tay, chắc bạn cũng không quên 10B chứ? Trong tập thể đó… vui, buồn đều đến với chúng ta, phải không HN? Những hôm được cô giáo “mắng”, “trốn” học tiễn các bạn đi bộ đội và cũng không thể quên ngày 21-4 chúng mình chỉ vì cười, nói chuyện mà đã “vinh dự” được ở lại họp – có thể nói là họp “cán bộ lớp” chứ.
N còn nhớ lớp 9, bạn ngồi sau tôi, hay dứt tóc trêu tôi lắm đấy. Nhưng cũng hình như theo “quy luật” thì phải, lớp 10 này, tôi ngồi sau bạn và chắc bạn hiểu thôi – ai là người trêu ai – tất nhiên là tôi chứ phải không bạn? Những kỷ niệm đó bây giờ quý lắm N à. Bạn hãy gìn giữ nó cẩn thận N nhé, đừng để rơi mất một cách phí phạm mà sau này không thể kiếm được đâu.
Bây giờ miền Nam đã được giải phóng – chắc chắn bạn sẽ được vào quê hương yêu dấu của mình rồi N nhỉ. Lúc đó, bạn đừng quên chúng tôi, đừng quên tập thể 10B này nhé.
Tạm biệt N – tôi chúc bạn gặp nhiều điều tốt đẹp và hãy ca hát nữa lên cho đời thêm tươi N nhé. Và đừng quên tôi – người bạn gái 10B hay “nghịch ngợm” và “vô duyên” này.
            Chào tạm biệt

Trong lưu bút của Hoài...

Em Nam thân
Ngày chia tay đã đến, các em rời mái trường Thăng Long thân thuộc đi mọi ngả, nhưng chắc rằng em cũng còn nhiều lưu luyến với trường, với thầy cô, với bạn bè. Nhưng việc đến cứ phải đến. Hàng năm, chúng tôi cứ tạm biệt hết lứa học sinh này đến lứa học sinh khác – Tạm biệt rồi, vẫn gặp nhau những ngày nhất định trong một năm. Những em ở chiến trường xa, hoặc ở nước ngoài cũng vẫn gặp chúng tôi trên những bức thư nóng bỏng tình cảm...
Nét mặt, hình dáng, phong cách và chữ viết của em có nhiều cái đáng nhớ. Trong tác phong của em, em cần chú ý nhé. Riêng tôi, tôi thấy em thái độ đúng mực, nhưng một số thầy cô khác thì bảo em “hơi cấc lấc” trong tác phong khi gặp thầy cô.
Em cũng là một học sinh có nhiều cố gắng về bộ môn Văn. Tin chắc rằng điều này sẽ giúp em rất nhiều trong việc thưởng thức văn học nghệ thuật. Em cũng thống nhất với tôi – ngoài công tác, người ta còn có những nhu cầu về tinh thần – đó là thưởng thức văn học nghệ thuật làm cho tâm hồn chúng ta mở rộng hơn…
Chúc em ra trường, đạt được điều ước vọng cao nhất của em.
Thầy giáo Văn, năm học 1974 – 1975 của em.
Đặng Đình Khuông

Trong lưu bút của Hoài...

            7. N thân mến!
N ơi! Thế là chúng ta đã phải xa nhau rồi, tuy điều đó sẽ không tránh khỏi nhưng tôi vẫn cảm thấy lòng bồi hồi lưu luyến. Xa N tôi đã để lại biết bao những kỷ niệm tốt đẹp ngay cả những việc chúng mình ngồi tán gẫu, những trận bóng đá sôi nổi của lớp đến cả khi chúng mình giận nhau mắt gườm gườm không nói… Tất cả những cái đó đều là những ấn tượng tốt đẹp của tuổi ấu thơ mà giờ đây và mãi mãi sau này nó sẽ không thể trở lại với chúng ta nữa.
N ơi! mình biết quê hương N ở miền Nam yêu dấu, nơi có nhiều dừa xanh với dòng sông Cửu Long hiền hòa chảy… Xa N, mình có thể sẽ được đến miền đất anh hùng đó và chắc chắn khi hướng về miền Bắc, nhớ đến lớp 10B thân thương, mình sẽ không thể quên N được – một người bạn vui tính và hát hay của cả lớp. Nhớ N, nhớ lớp 10B thân yêu, mình không nỡ chia tay các bạn, mình bâng khuâng nhớ tiếc cuộc sống ấu thơ ngắn ngủi nhưng vô cùng tươi đẹp nầy để rồi mãi mãi không bao giờ được sống lại cái giờ phút thơ ngây của tuổi thơ sinh nữa. Nhưng biết làm thế nào được khi một nhiệm vụ khác đang cần mình, mình sẽ cố gắng tìm lại niềm vui trong nhiệm vụ mình làm và mình sẽ luôn luôn nhớ đến N, đến tập thể lớp 10B thân yêu – nơi mà những kỷ niệm tốt đẹp đã ăn sâu vào ký ức mình, không thể phai nhạt.
Thôi nhé, chào N, chúc N đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới, chúc N sau này sẽ vững vàng trong mọi nhiệm vụ được giao. Chúc tình bạn chúng ta:
Tình bạn như đóa hoa thơm
Như dòng suối mát chảy trên nguồn
Như tiếng chim ca ngày Xuân hội
Như ánh mặt trời buổi sớm hôm.
8.  HN thân mến.
Tôi nghĩ rằng mình sẽ được viết những dòng lưu niệm vào quyển sổ này trước 20/4 cơ đấy. Thế mà hôm nay tôi mới được cầm quyển sổ này và viết vào đây những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của đời học sinh.
N! Thế là bạn lại được cùng chúng tôi học ở lớp 10B này đến ngày cuối cùng của năm học, được cùng với chúng tôi sống những ngày sôi nổi của mùa thi.
Chẳng còn bao lâu nữa chúng ta sẽ chia tay. Xa 10B, xa bạn, tôi không thể quên được những kỷ niệm về 10B, những trận cười “chảy nước mắt” trong đó tôi cũng không thể quên được bạn – người quản ca của lớp 10B, người bạn vui tính mà cũng hay trêu tôi lắm đấy. Bạn cũng đừng quên những kỷ niệm đó N nhé. Mùa thi đến rồi, chẳng có lời chúc nào bằng chúc bạn đạt được kết quả tốt trong kỳ thi này và còn tương lai thì chúc bạn thực hiện được ước mơ của mình một cách tốt đẹp. Tôi không quên “ông bạn” đeo kính trắng ngồi bàn của tổ 3 cũng vào loại hay đùa ở trong lớp đâu.
9. N thân mến!
Thế là chúng mình sắp phải chia tay – Chán nhỉ?
N mến! Như bạn nói, tôi và bạn mới học cùng nhau có một năm nhưng chẳng có gì là “khoảng cách” cả. Một thời gian “quá ngắn” so với cuộc đời, bạn nhỉ? Nhưng giữa tôi và bạn cũng đã có ối “kỷ niệm”, “trẻ con” phải không N? Tôi không viết ra đây đâu, nhưng bạn hãy giữ lấy và đừng bao giờ quên nó, N nhé (vì có nhớ đến thì bạn mới không quên tôi).
Bạn N ạ, năm học cuối cùng này nó để lại trong tôi nhiều “chuyện” vui – buồn và tất nhiên là buồn nhiều hơn (lý do chắc bạn cũng thừa biết), nhưng nhìn vào tôi, bạn thấy toàn “vui” phải không? Chắc gì cười đã là vui hả bạn, nhưng hiểu thế cũng được N ạ, vì giữa tôi và bạn thì “gần như” toàn “chuyện vui” . Bạn N ạ, ngay từ những ngày đầu vào lớp 10B này, tôi đã “chú ý” đến bạn, thật đấy! (một phần vì bạn ngồi ngay sau tôi, nhưng phần lớn là vì hồi đó bạn “hơi khác” mọi người trong lớp). Và cho đến bây giờ và mãi về sau tôi cũng sẽ không quên bạn đâu (vì không bao giờ tôi quên năm học cuối cùng này).
À, đến hôm nọ đọc “trộm” sổ của H tôi mới biết quê bạn ở miền Nam. Thế thì bây giờ bạn thích lắm nhỉ? Sau này bạn có về “trong đó” thì đừng quên “ngoài này” nhé.
N mến! Thế là chẳng còn bao lâu nữa chúng mình phải xa nhau, xa 10B và vĩnh biệt cuộc đời học sinh phổ thông, chán quá nhỉ, nhưng biết làm thế nào bạn nhỉ vì đấy là “quy luật” rồi. Xa bạn, tôi sẽ không bao giờ quên người hay “trêu” tôi và đặc biệt là hay hát và hát hay, một điểm nữa là tính tình hay thay đổi “đột xuất”. Và bạn cũng đừng quên tôi nhé – một người, theo bạn nói “đanh đá” nhất lớp (chưa chắc đâu).
Cuối cùng, chúc bạn đạt kết quả tốt trong hai kỳ thi sắp tới và bước “vào đời” gặp mọi sự “tốt đẹp”.
Đừng quên nhé!

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Trong lưu bút của Hoài...

            3.  HN thân mến!
Thế là chiếc bàn cuối của tổ chúng mình lại vắng một người rồi. Tôi ra đi làm nhiệm vụ khi năm học gần kết thúc, thật là tiếc.
Ra đi tôi luyến tiếc lắm, nhưng không làm thế nào được. Mình sẽ nhớ tất cả, nhớ cả những lúc đùa nghịch trong lớp, nhớ những tiếng hát của bạn. Cậu là một người vui tính, hay hát nhưng nhiều khi không đúng lúc – cậu phải cố sửa lại đi. Tôi chân thành nói với cậu là cậu nên quý trọng tất cả các công việc lao động – lao động nào mà có ích cho tập thể đều rất cao quý.
Thôi dừng bút đây. Chúc N mạnh khỏe, học tập tốt và thật tiến bộ về mọi mặt. Chúc N đạt được kết quả như ý trong kỳ thi cuối cùng này.
Hẹn ngày gặp lại.
Tạm biệt.
4. HN, tôi chẳng bao giờ viết kỷ niệm, bởi tôi không biết viết, hay nói đúng hơn, tôi không thích viết.
Nhưng theo yêu cầu thì tôi cũng bỏ chút thời gian “vàng ngọc” để viết. Viết gì thì viết, theo tôi, những lời chúc tụng, cho dù nó không thể và không bao giờ xảy ra đi nữa, vẫn là những lời đẹp đẽ nhất, nó thể hiện cao nhất cái tình của người bạn đối với mình, phải không N? Vậy thì bây giờ tôi chúc:
Chúc một: Lên đường bình an. Có nghĩa là khi trở lại “đỏ ngực” chứ không phải “xanh mồ”.
Chúc hai: Chúc N có số đào hoa.
Chúc ba: Chúc N vạn điều như ý trong cuộc sống
Câu chúc cuối có tính tổng quát cao. Đó là điều mà tôi mong nhất cho N.
5. HN yêu dấu!!! Hoài thật.
Thế là chúng mình không cùng được nhập ngũ một ngày, nhưng không sao, rất có thể và có thể rằng chúng mình sẽ gặp nhau. Chúng mình sẽ gặp nhau ở nơi mà… cả hai đều mặc áo lính cụ Hồ, một màu xanh của đất nước. Có lẽ tôi nói lan man phải không? Vì những dòng lưu niệm phải là những dòng viết về quá khứ dù chỉ cách một ngày. Song, điều gì mà cảm xúc thì ta mới có thể viết được.
Tôi chỉ mong sao, dù chỉ xa lớp một ngày, ấy cũng đừng quên cái tập thể 10B của chúng mình. Biết viết gì đây, gặp nhau ta sẽ tha hồ trò chuyện. Nếu tình bạn bền chặt thì tình bạn đó bền chặt trọn đời chứ không phải trong khoảnh khắc thời gian, đúng không???
Ấy nhập ngũ trước, tớ nhập ngũ sau, điều đó không quan trọng, ngoài tình bạn, tương lai hai ta còn là tình đồng chí.
Bởi: Thử thách là viên gạch chịu lửa xây nên những lâu đài tráng lệ của tình bạn chúng ta.
Tâm hồn ta phơi phới!
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai
Khoảng tạm biệt – rất ngắn. Bắt tay người đồng chí tương lai.
Trời về chiều, gần tối...
6. HN mến yêu,
Sắp sửa tớ phải xa tập thể lớp 10B. Xa bạn, tớ rất nhớ, rất buồn...
Nhưng vì đất nước của chúng ta vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng, miền Nam vẫn còn đang bị ách đô hộ của bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai cho nên những con người, lớp người đã trưởng thành thì sẽ đi làm nhiệm vụ đó trước, trong số đó có tớ và N. Chúng mình là những  thanh niên được tôi luyện dưới dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được sự giúp đỡ và săn sóc tận tình của cha mẹ và thầy cô giáo cho nên để đền đáp công lao to lớn đó, chúng mình nguyện sẽ suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân của mình cho tổ quốc – nhân dân. Luôn luôn khắc phục những khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt mọi công tác mà cấp trên giao cho.
Cuối dòng lưu niệm, chúc N đạt được những nguyện vọng và ước mơ tốt đẹp của cậu.
Chúc tình bạn của chúng ta đời đời bền vững.
Good bye
Vừa nhấp Ken vừa đọc mấy đoạn khúc lưu niệm này, mình suýt sặc mấy lần… :-)))
Công nhận, mái trường XHCN “đào tạo” con người tài thật…, toàn "chính trị gia"...! Thế hệ sau này đọc, chắc nghĩ các tác giả mấy đoạn khúc trên, đều "trưởng thành" cả, xoàng ra cũng là cấp Ủy viên Thường vụ, phụ trách Tuyên giáo :-q

Trong lưu bút của Hoài…

            2. N thân mến!
Tớ không nghĩ rằng tớ là người đầu tiên viết vào sổ lưu niệm của cậu, cũng như không mong muốn ngày chia tay sắp tới đây, N ạ. Nhưng dù không mong muốn thì nó vẫn cứ đến, cậu biết đấy ngày chúng ta chia tay không còn bao lâu nữa. Cậu biết không? Mình không tưởng tượng được ngày ra đi như thế nào, rồi mình sẽ nhớ lớp, nhớ các bạn như thế nào?
N ạ! Chúng ta mới sống cùng nhau ba năm, đấy là một phần nhỏ của quãng đời dài mà chúng ta sắp và sẽ đi. Tuy là một phần nhỏ, nhưng N ạ, nó sẽ là một kỷ niệm trong trắng nhất, trẻ thơ nhất của đời học sinh, của sự biết suy nghĩ. Trong ba năm học này, cậu cũng là người ghi vào lòng tớ biết bao sự suy nghĩ, biết bao kỷ niệm. Ngày học lớp 8B tớ nghĩ về cậu tuy ít, những ý niệm đơn giản cậu bình thường như những bạn khác. Nhưng lớp 9B thì suy nghĩ có lớn hơn, sâu hơn cậu là người hoạt bát, biết nhiều và nhiều lần tôi rất phục tài nhớ lâu, khéo chân tay của cậu. Đến lớp 10B, chúng ta đã ngồi với nhau, đã đùa với nhau, đã có lúc giận nhau, rồi lại làm lành với nhau; thì cậu là người chiếm được nhiều tình cảm của bạn bè, nhiều lần tớ mong muốn được như cậu cũng không được. Vì mình là người quá nghiêm khắc với bản thân, nên dẫn đến là người khô khan mà N đã chế diễu, trêu mình để mình sửa chữa, nhưng nghĩ lại được thì đã muộn rồi. Nhưng không, nó sẽ theo tớ ra đi trên “đường đời”, nó sẽ là những kỷ niệm không thể quên được.
N ạ! Kỷ niệm còn nhiều, còn những “việc” gì chúng mình hãy “thanh toán” với nhau. Rồi khi chúng ta sẽ nhớ tới nhau, sẽ cùng nhau vươn lên trong mọi công tác, sẽ gặp nhau trên những “trang giấy” và sẽ gặp nhau “nếu có thể”  trong những ngày mùng 2 Tết của lớp.
Ba năm sắp qua rồi N ơi...
Giờ phút chia tay đã thúc rồi
Ba năm học ấy bao kỷ niệm
Đừng quên tớ nhé trên “đường đời”
Hãy siết tay nhau cùng tiến bước
Cùng nhau hướng tới ngày tương lai.
Dù xa ta vẫn “gần” nhau
Tạm biệt N ngày sắp tới
                                                                                    Người bạn của N

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Trong lưu bút của Hoài...

Hoài Nam - Mình sẽ lần giở cuốn lưu bút của mình (sẽ không ghi tên, mà hãy tự đoán người viết) để mọi người "thưởng thức" và chiêm nghiệm, nhé…
1. Cách đây 37 năm – 26 tháng Ba năm 1975 – trang đầu, mình đã viết như thế này:
Lớp 10B thân yêu ơi,
Thế rồi cũng đến lúc phải chia tay nhau thôi. Làm sao mà diễn tả được tâm trạng N lúc đó nhỉ? Tuy giờ đây còn đang ngồi học, nhưng rồi khoảnh khắc nữa thôi, phải giang đôi cánh rộng để bay vào đời. Nếu không giang rộng đôi cánh thì cũng phải căng buồm vượt trùng sóng gió gian nan để lướt trên đại dương cuộc đời…
Các bạn thân yêu..., Bắt đầu từ đây sẽ có những giờ phút chia tay đầy tình cảm… Chúng ta phải có những gì để kỷ niệm nhau khi xa nhau chứ? Mong các bạn ghi cho N vài dòng – trên những trang giấy trong trắng, thơ ngây – những dòng lưu niệm, nhé?
N sẽ giữ cuốn sổ này, cho đây là kỷ niệm của mình đối với các bạn của 10B thân thương. Xa nhau, giở những dòng kỷ niệm, chúng ta sẽ thấy gần gũi nhau hơn, tình cảm mặn nồng càng bền chặt, tình thân ái rộng lớn càng thiết tha…
Chia tay, ai nỡ tay chia
Vào đời nên phải nắm tay – vào đời
Xa nhau tình bạn thêm nồng
Mối tình thắm thiết chặt bền hơn keo…
Bây giờ xem lại, thấy cũng hay hay, nhưng cũng buồn cười, nhưng hay nhất – theo mình – là mấy câu tạm gọi là "thơ",… vừa ngố ngố, ngây ngô, vừa chất phác, mộc mạc nhưng cũng lại "đường lối"  ra phết, y như thơ… HCM.
            Hơ… hơ…

Ký ức chợt hiện…

của Hoài Nam
Ngày hôm nay (16-5-2012), mình túi bụi bởi công việc cơ quan và cuộc gặp mặt cộng tác viên của một tạp chí trong tỉnh.
… Gần đầu giờ chiều – 12g55, đang tranh thủ chuẩn bị tài liệu thì nhận được điện thoại của Trung Dũng. Nhìn số điện thoại, mình hơi sắc mắc, có chuyện gì mà này gọi mình vào giờ này? Hay là lại vô nghỉ mát ở Nha Trang như năm nảo năm nào (mà không gặp được nhau)?
- Alô, ông làm tôi mất giấc trưa nên bây giờ tôi phá lại ông đây…
- Tôi thấy tên ông hiện trong máy rồi. Có chuyện gì mà gọi nhau lúc này thế?
- Tôi vừa xem chương trình VTV, nói về cây xanh đường phố với loại hoa Osaka
- À, tụi đàn em VTV đi công cán, ngang qua Tuy Hòa, thấy mấy chòm cây có bông lạ và đẹp nên tìm đến thăm lại mình và tranh thủ interview chút đỉnh í mà…
- Vậy là ông chuyển sang làm hội Kiến trúc, có gì hay không?
- Đâu có, mình chỉ kiêm nhiệm thôi…
Vài câu thăm hỏi và hẹn gặp lại… Trong lòng vui vui… À thì ra mình cũng còn có chút công ích gì đó cho đời. Nhưng cũng băn khoăn… này lâu nay không coi TV hay sao? Chứ VTV thường phỏng vấn mình mà… Có điều, mình nói đúng hay sai, thực tế hay viển vông, thực dụng hay “chém gió” lại là chuyện khác. Dù sao thì cũng khấp khởi trong lòng vì thằng bạn ngồi cùng bàn cách đây gần 40 năm, còn để ý thời cuộc và… còn nhớ đến mình.
… Một tiếng đồng hồ sau – 13g55 – một cuộc gọi nữa, số lạ, giọng phụ nữ trẻ trung, cảm giác quen quen:
- Xin lỗi, đây có phải số máy của KTS… không ạ?
- Dạ, vâng…
- Thế có nhận ra ai gọi đây không?
- Dạ, thấy quen mà không nhớ ạ…
- Cô Chi đây…
- Trời…, em chào cô ạ…
- Hôm nay, tôi có xem VTV, mục… có phỏng vấn KTS… Dạo này béo nhỉ? Gia đình ra sao hả em?...
Mình mừng quá, cô, cô giáo chủ nhiệm 3 năm lớp của mình… cách đây 40 năm.
Ký ức 40 năm trước, bỗng hiện về…
Ngày đấy, năm chiến tranh ác liệt cuối cùng, làng Liễu Nội, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, những ngày học trò thủ đô “ăn trắng mặc trơn” làm lao động trộn bùn dựng lán học và hầm trú ẩn, đêm 18-12-1972 ngoài đồng, B52…; năm hòa bình đầu tiên về ngõ Quỳnh, năm cuối chuyển về cổng trường đại học Bách khoa, trốn học đi đá bóng bị buộc nghỉ học mời phụ huynh đến…
Đã lâu rồi, không được gặp cô và bạn bè… Cô thì chắc chắn vẫn mong trò… Còn trò, “tụi nó” lo cơm áo gạo tiền, lướt “sàn chứng-sản”, chức quyền, nhà, xe, con đi du học, chơi golf… “tụi nó” gần sát bên còn không…, huống chi mình – quê mùa tỉnh lẻ, khúc eo miền Trung, nắng gió, bão mưa… – thôi thì… cứ để ký ức tràn ngập, đừng để thực tại chen vô…
Ngày xưa… thôi chết, mình già rồi…(Mẹ mình bảo: Ai cứ hay nhắc ngày xưa là đã già rồi và nghèo hèn nữa). Nhưng, giọng cô giáo – qua fone – vẫn còn trẻ… Mà đời cô, đâu có thanh thản…
Mình già thật rồi, chỉ qua 2 cuộc điện thoại của bạn cũ và thầy cũ, mà nghĩ ngợi bao điều ký ức...
Mà ai đến tuổi này mà không già cơ chứ?
Có chăng, đừng để tâm hồn già, đừng để tình người già cỗi… Được không?...

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Glass Beach có thật đẹp lung linh?

P.V.Khoa sưu tầm, với lời dẫn: “Có một số hình ảnh đẹp để post lên blog. Biết đâu cũng là một bài học kinh nghiệm cho Nha Trang và các bãi biển khác của VN trong tương lai”.
               Glass Beach là một trong những bờ biển đá độc đáo nhất thế giới và được người ta ví như là thánh địa Mecca cho người thu gom thủy tinh biển.
               Đầu thế kỷ 20, những cư dân của thành phố Fort Bragg thuộc tiểu bang California đã gom các thứ thải bỏ và vứt ra vách đá trên một bãi biển. Không có rác thải quá độc hại và kích cỡ lớn, chỉ là những chiếc xe ô tô, vật dụng gia đình và phần lớn là đồ thủy tinh, nhưng tất cả chúng đã biến bãi biển thành một bãi rác công cộng khổng lồ.
               Vào năm 1967, các quan chức địa phương đã cấm người dân đổ rác ra nơi này vì vấn đề ô nhiễm môi trường và bắt tay vào công cuộc thu gom rác thải, nhưng chủ yếu là những rác thải hạng nặng. Chúng được chuyển đến đất liền để thiêu hủy, còn lại hàng triệu mảnh thủy tinh vẫn còn nằm yên vị trí. Theo thời gian, những con sóng đại dương không ngừng vỗ bờ, làm mòn nhẵn các mảnh thủy tinh, biến chúng thành những viên sỏi, cát biển thủy tinh mịn nhiều màu sắc. Từ đó, bãi biển mang tên Glass Beach, là một địa điểm độc đáo, một bãi biển thủy tinh đẹp lấp lánh dưới ánh mặt trời.
               Ngoài những viên sỏi biển đẹp tựa kim cương, hồng ngọc, bãi biển còn có một vùng thủy triều lên xuống thất thường. Khu vực này là nơi định cư của những loài động vật thân mềm như cua và nhiều thực vật thủy sinh khác. Để khám phá môi trường sống của chúng, bạn phải đợi cho thủy triều xuống thấp, là lúc mà những cư dân này lộ diện.
               Bãi biển thuộc công viên quốc gia MacKerricher này là nơi thường xuyên có khách du lịch viếng thăm. Mặc dù không được phép nhặt những viên sỏi ở đây, nhưng nhiều người vẫn nhặt để mang về nhà làm quà lưu niệm.
-----------------------
Comment: Thực ra, Glass Beach chỉ độc đáo thôi, chứ chưa hẳn là đẹp lung linh nhất... và nó còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường trong thời đại ngày nay, nhưng lịch sử hình thành nó, phải trải qua một quá trình, rất nhiều thời gian (cả 100 năm)...

So sánh “cơm” và “phở”

- Ai cũng thường ăn cơm
Những vẫn thèm ăn phở
Vì một lẽ thường tình
Phở... nhiều nước hơn cơm!                           :-)))
- Vợ là cơm nguội nhà ta
Nhưng là phở tái của thằng cha láng giềng… ;-O
1. Vợ luôn bắt ta về sớm. Bồ thích rủ ta đi chơi khuya.
2. Vợ đưa ta về nhà bà ngoại. Bồ muốn đưa ta tới shop.
3. Vợ muốn ta mặc quần áo bền. Bồ muốn ta mặc quần áo đẹp.
4. Vợ thích ta mua đồ dùng trong nhà. Bồ thích ta mua quà.
5. Khi ta đưa thứ gì ra, vợ hỏi giá tiền, còn bồ hỏi bao giờ đưa món tiếp theo.
6. Đi du lịch xa, vợ mong ngày về, còn bồ sợ hãi ngày đó.
7. Vợ nhăn nhó khi thấy bạn của chồng. Bồ nhăn nhó khi ta giấu bạn.
8. Vợ dọa ly dị, bồ dọa đòi cưới. Khi có bầu vợ mừng báo tin, bồ “hốt hoảng” thông báo.
9. Vợ chê ta ít tắm. Bồ chê ta phải tắm một mình.
10. Vợ thích đi chợ. Bồ thích đi xem phim.
11. Vợ lục ví ta. Còn bồ lục ví mình đưa cho ta thấy.
12. Khi ta bảo ta là một đàn ông vĩ đại, vợ không tin, còn bồ sẽ vờ tin.
13. Ngày Valentine, ta đi với vợ, còn bồ đi với ai chỉ có quỷ sứ biết.
14. Vợ khen ta khỏe mạnh, còn bồ khen ta đẹp trai.
15. Vợ đưa đi uống thuốc. Còn bồ đưa ta đi uống rượu.
16. Vợ hay nói về quá khứ, bồ hay nói về tương lai.
17. Khi cùng nhau chạy dưới mưa, vợ bảo là điên, bồ bảo là lãng mạn.
18. Vợ thích dậy sớm. Bồ thích dậy muộn.
19. Vợ thích lấy áo ta đi giặt. Bồ thích lấy áo ta mặc.
20. Nhìn đường phố ban đêm, vợ nhăn nhó bảo là đông, bồ thì reo lên, bảo là vui.
21. Khi ta bị bệnh, vợ mang cơm, còn bồ mang hoa.
22. Khi ta say, vợ nhăn nhó, còn bồ cùng say.
23. Vợ hay kể đêm qua có trộm rình nhà. Bồ hay kể đêm đêm có chàng trai đi qua.
24. Ta gọi vợ là “bà xã”, còn gọi bồ là “em yêu”.
25. Ta khen vợ trẻ, nhưng khen bồ đẹp.
26. Đang đi với bồ nhìn thấy vợ ta né đi. Đang đi với vợ nhìn thấy bồ ta cười bí hiểm.
27. Đi công tác xa, ta dặn vợ: “Nhớ khóa cửa nhà”, còn dặn bồ: “Nhớ ngủ sớm”.
28. Với vợ ta không tiếc thân thể. Với bồ ta không tiếc tiền.
29. Vợ thích gà vịt đã làm sẵn. Bồ thích chó con hoặc mèo con.
30. Xem phim, vợ khóc khi thấy cảnh đói khổ. Còn bồ khóc khi thấy các cảnh chia tay.
31. Vợ hay nói về cuộc sống. Bồ hay nói về tình yêu.
32. Vợ thì đường bệ, còn bồ nhí nhảnh.
33. Vợ nói yêu ta vì ta đứng đắn. Bồ nói yêu ta do ta hấp dẫn.
34. Ta và vợ kỷ niệm ngày cưới, ta và bồ kỷ niệm ngày làm quen.
35. Ta hô to với vợ: “Anh yêu gia đình” và thì thầm với bồ: “Anh yêu em”.
Các bạn hãy “phát hiện”, bổ sung thêm sự khác nhau giữa “cơm” và “phở,” nhé…

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Một thông tin về ung thư, nên đọc

Ngày 03-3-2008, một chủ đề được xuất bản: Cập nhật về ung thư của viện John Hopkins (Cancer Update from John Hopkins). Trên thực tế, không có sự khẳng định hay phủ định chính thức về những thông tin được đưa ra; vì vậy, cần nhìn nhận vấn đề thật khách quan và đúng mức.
Ở Việt Nam, thông tin này có một ý nghĩa đặc biệt vì ít ra nó giúp giải thích hiện tượng nhiều bệnh nhân được y học hiện đại chẩn đoán ung thư lại được chữa có kết quả nhất định bằng các bài thuốc gia truyền, bí truyền của y học phương Đông. Đáp số cho bài toán ung thư còn lâu mới có nghiệm số nhưng có thể thấy từ John Hopkins một số lời giải mà y học Mỹ đã gặp gỡ y học phương Đông và ít nhiều có ích cho chúng ta khi phải đối mặt với căn bệnh nan y.
Thử xem tóm tắt những thông tin này:
1- Trong cơ thể ai cũng có tế bào ung thư, chỉ khi nó nhân lên vài tỉ lần mới thành các khối u, mới có khả năng phát hiện.
2- Trong 1 đời người có từ 6 đến 10 lần tế bào ung thư đã xuất hiện.
3- Khi hệ thống miễn dịch đủ mạnh sẽ có khả năng tiêu diệt các tế bào này, không để phát triển thành khối u.
4- Người mắc ung thư bị thiếu sót rất nhiều về các chất dinh dưỡng. Có liên quan đến gen, thực phẩm, môi trường và lối sống.
5- Để khắc phục, cần thay đổi cách ăn uống để tăng khả năng miễn dịch.
6- Điều trị ung thư bằng hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng tiêu diệt cả tế bào lành và gây tổn hại cho gan, thận, tim phổi.
7- Điều trị bằng tia xạ tiêu diệt tế bào ung thư cũng gây tác hại đến các mô, tế bào lành,và gây thêm xơ hóa, sẹo, tổn thương các mô lành.
8- Ban đầu điều trị bằng hóa chất và tia xạ có làm giảm kích thước khối u, nhưng lâu dài không tiêu diệt được khối u.
9- Điều trị hóa chất và tia xạ gây độc cho cơ thể, làm giảm sức đề kháng dễ dẫn đến biến chứng và lây nhiễm bệnh.
10- Hóa trị, xạ trị có thể gây đột biến gen của tế bào ung thư tạo ra sự đề kháng nên khó bị tiêu diệt. Phẫu thuật khối ung thư có thể làm tế bào ung thư di căn đi các nơi khác.
11- Cách chữa ung thư là bỏ đói các tế bào này bằng cắt nguồn dinh dưỡng cho nó. Nguồn dinh dưỡng liên quan đến tế bào ung thư: đường, sữa là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào ung thư, không nên dùng nhiều và cần dùng đường gốc tự nhiên và sữa đậu nành thay thế. Thức ăn là thịt tạo môi trường giàu a-xit thuận lợi cho tế bào ung thư, nên ăn cá thay thế. Bữa ăn 80 % rau hoa quả tươi, gạo lứt, hạt, củ, nước ép cộng với 20 % thực phẩm nấu chín tạo môi trường kiềm nuôi dưỡng tốt tế bào lành. Tránh dùng cà-phê, trà búp, sô-cô-la, nên dùng trà xanh. Uống nhiều nước lọc, nước tinh khiết.
12- Đạm từ thịt động vật lâu tiêu, sinh hơi và thối rữa gây độc cho cơ thể.
13- Tế bào ung thư có lớp màng protein bảo vệ, chế độ ăn ít thịt sẽ giải phóng nhiều enzyme tấn công phá hủy lớp màng của tế bào ung thư.
14- Một số chất giúp cho cơ thể tăng cường hệ miễn dịch đề kháng tế bào ung thư.
15- Ung thư liên quan đến tinh thần, tâm hồn và thể chất, một lối sống tích cực, tránh nóng giận, căng thẳng; sống dung hòa yêu đời, biết thư giãn yêu thương và thụ hưởng sẽ có lợi cho sức khỏe.
16- Tế bào ung thư khó sống trong môi trường giàu oxy. Tập thể dục tập hít thở để cơ thể có nhiều oxy vì liệu pháp oxy góp phần tiêu diệt tế bào ung thư.
Những thông tin trên đây được lược dịch từ nguồn: Cancer update from John Hopkins, US – Please read, của viện John Hopkins Hoa Kỳ; tuy rất đơn giản chưa thành một lý thuyết hàn lâm về phòng chống bệnh ung thư, nhưng đã toát lên được một triết lí y học rất nhân văn, thân thiện và gần gũi với một triết lí sống tôn trọng tự nhiên, thiên nhiên, chống lại tư duy kĩ trị quá đề cao những thành tựu công nghệ hiện đại áp dụng cho điều trị ung thư.Soi vào thực tế nước ta, dễ thấy những căn bệnh về ung thư u bướu đang gia tăng, các cơ sở chuyên khoa u bướu đã và đang phát triển để đối phó bị động. Những thông tin trên đây đáng để chúng ta đọc – tìm hiểu, suy ngẫm về một cách phòng chữa bệnh ung thư đơn giản, dễ hiểu, mức độ an toàn cao và hơn thế: nâng đỡ được tinh thần, thể chất và tâm hồn người bệnh.
BS Đào Thế Tân Chủ nhật 06-5-2012 09:00