Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Hắn - Lớp phó Học tập

của K. Phạm Văn
               Ba năm học cấp 3 thì hắn làm Lớp phó (phụ trách) Học tập đến hơn 2 năm rưỡi.
               Đầu năm 1973, khi tôi theo gia đình từ nơi sơ tán về, vào lớp 8B thì hắn đã là Lớp phó Học tập rồi.
              Nhà hắn gần nhà tôi. Hỏi chuyện mới biết: 2 đứa ngày mới thôi mặc quần hở đũng thì học cùng trường mẫu giáo, lớn lên một chút thì học cùng trường cấp 2 Đoàn Kết B. Vẻ bề ngoài, hắn ít nói chuyện như... tôi. Thế là hai đứa thân nhau từ đấy.
              Hết lớp 8, vào mùa thi đại học năm đấy, thấy hắn lôi đề thi Toán ra hý hoáy làm. Hỏi hắn làm thế nào; hắn bảo còn mỗi phần tính thể tích hình cầu ở câu cuối - chưa học – nên chưa làm.
Lớp 8, hắn đã giải gần hết đề thi đại học! Quả là siêu, không hổ danh Lớp phó Học tập.
              Lớp 9, hắn tham gia thi học sinh giỏi Toán Hà Nội. Đi thi về, hỏi hắn làm thế nào? Bình thường – hắn thủng thỉnh trả lời. Mấy hôm sau, cô Uyển – giáo viên dạy Toán của lớp, tham gia chấm thi học sinh giỏi Thủ đô năm ấy - cho cả lớp biết: Hắn đã làm nên một sự kiện đáng chú ý tại kỳ thi. Trong đề thi có một bài (*) mà thông thường để giải bài này mất dăm ba trang giấy nhưng bài của hắn chỉ dài “những”... 5 dòng; không hơn!
              Hết học kỳ 1 lớp 10, cô giáo Vật lý đọc điểm để học sinh tính điểm trung bình. Điểm của hắn toàn 10, cả kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết và kiểm tra học kỳ. Chã phải chia, tính gì cho mệt.
              Những năm ấy, phong trào học tập của lớp rất tự giác và hiệu quả. Lớp ra báo tường học tập hàng tuần. Ai có bài hay, bất kể môn gì, thì đưa lên báo và hắn thường có lời giải sớm và hay nhất. Học giỏi nhưng hắn chưa bao giờ ra oai hay “giấu làm của riêng” với bạn bè. Ai chưa hiểu là hắn giúp ngay. Cả lớp thường loay hoay với các bài tập trong “Tuyển tập những bài toán sơ cấp – 3 tập” , rồi "Tuyển tập các bài tập Vật lý, Hóa học". Nhưng với hắn, đam mê lại là giải các bài trong tạp chí “Toán học và tuổi trẻ”. Những tối qua nhà tôi tập đẩy tạ, kéo xà đơn, trong khi chờ đến lượt thì hắn lại tranh thủ giấy bút để nghiền ngẫm với các khái niệm tam giác cầuchuỗi, lượng tử... của Toán và Vật lý hiện đại.
              Đến học kỳ 2 lớp 10, hắn lên đường nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên của Chủ tịch Nước. Đêm trước khi lên đường, bọn tôi qua ngủ với hắn, giúp hắn soạn đồ vào ba-lô. Thấy hắn có hàng tá khăn tay được tặng trong khi mình chẳng có cái nào để vắt vai; thấy hơi chạnh lòng "thằng tôi". Dưng mà “trai tài” sẽ khác, các cụ đã dạy rồi. Cố giỏi như hắn đi!
              Sau 6 năm quân ngũ, hết sân bay Sao Vàng lại Trung Giã, Cát Bi... hắn được ra quân. Tưởng là những tháng năm đời lính gian khổ ấy, hắn quên hết kiến thức. Nhưng không, chỉ với không đầy 2 tháng tự ôn luyện, hắn thi và đỗ ngay vào khoa Chế tạo máy – đại học Bách khoa Hà Nội mà không cần điểm ưu tiên.
               Tốt nghiệp đại học, làm Nhà nước một thời gian, rồi giảm biên... hắn ra làm ngoài tự do. Hiện giờ, hắn là chủ một doanh nghiệp nhỏ.
               Khi bạn bè cùng lớp có đứa đã lên chức ông, chức bà thì hắn mới tính chuyện trăm năm. Ngày hắn đón nàng lên xe hoa, bạn bè, đồng đội cũ từ Nam chí Bắc đã vui mừng chúc hắn yên bề gia thất. Người ta bảo “Trâu chậm uống nước đục”; nhưng với hắn, thì lại không phải vậy…
                Mỗi khi gặp nhau, sau khi luận bàn về đồng tốc, góc cắt, lệch tâm..., hắn làm 10 – 15 vại gì đó rồi... phắn. “Thôi, bọn mày ở lại, tao về. Vợ con đang chờ”. Nghe phát "ghét"! Nhưng hắn biết, hắn đang ở đâu. Cả hội, còn mỗi mình hắn cha "giề" con thơ mà. Và... vợ hắn lại trẻ, khéo “chiều” chồng.
                Đến đây, tự dưng lại thấy chạnh lòng với hắn…
-------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Bài toán (đại ý): Tổng các chữ số của 310.000 (3 mũ 10.000) bằng A, tổng các chữ số của A bằng B, tổng các chữ số của B bằng C. Tìm C” .

7 nhận xét:

  1. Bác ấy giải hay đấy nhỉ. Bác nào chỉ cho cháu cách giải với nhé. Cháu cảm ơn

    Trả lờiXóa
  2. Sau bao nhiêu lâu, blog của các bạn lại có bài trở lại, rất hay, rất cảm ơn.
    Bài "Hắn - Lớp phó Học tập" phải nói là hay, cảm động... Tuy nhiên, cũng để lại mấy "dấu ấn bất cập":
    - Hóa ra lớp các bạn đã có một "tiềm năng" thần đồng toán học? Đáng ra từ cách đây 37 năm, VN đã có Giải Field và Ngô Bảo Châu đã có một đàn anh, nhưng vì lệnh Tổng động viên nên VN mất cơ hội, Ngô Bảo Châu mất "đàn anh"? (vì một bài giải thông thường mất dăm ba trang giấy, còn ở đây, Lớp phó Học tập của các bạn chỉ cần 5 dòng... Quá tài!)
    - Hóa ra bài viết tưởng là "khen bạn Lớp phó Học tập", nhưng lại thành "mượn hoa cúng Phật" để nói nỗi lòng (dằn vặt?) của người viết (K. Phạm Văn), "chạnh lòng" (hay là ghen tỵ) với bạn mình đến 2 lần: một lần khi nhìn thấy hàng tá khăn tay của bạn được tặng; một lần khi bạn không là "Trâu chậm uống nước đục", có vợ trẻ "khéo chiều chồng"?
    - Hình như bài toán nêu trong bài (cho dù là đại ý), quá sai về giả thiết hoặc lời văn mô tả không đúng bản chất bài toán?
    Kỷ niệm một thời, nhất là với bạn bè là rất quý giá, nhưng đừng nên "chém gió"
    Dù sao thì cũng cảm ơn các bạn đã cho tớ được trở lại với kỷ niệm của cấp 3 Thăng Long - HN
    À quên, ảnh các bạn tớ thấy 1 vài khuôn mặt quen, còn lại thì... không thể nhớ ra, mong các bạn chú thích để tớ được ăn theo, lần về kỷ niệm...

    Trả lờiXóa
  3. Hiện tượng là như vậy, còn nội dung có "chém gió" một chút đâu có sao. Đã gần 40 năm qua rồi, như bạn Hoài đã nói là gần một thế hệ rưỡi. cảm ơn K Phạm Văn đã có bài viết hay.

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết chỉ nói "thông thường để giải bài này mất dăm ba trang giấy" nhưng bác Lớp phó chỉ cần giải "dài... 5 dòng", mà ko thấy nói là là giải có đúng ko?
    Có khi ý cô giáo nói là "đi thi học sinh giỏi mà làm bài như thế à?"
    Mà cháu thấy chưa hiểu đề bài.

    Trả lờiXóa
  5. Giả sử tính được 3 lũy thừa 10.000 = X = "123456789". Ta "đếm nút" của X được số A = 1+2+3+4+5+6+7+8+9. Tiếp tục "đếm nút" của A, là số B. Rối "đếm nút" của B là C.
    Giải bài này bằng cách lấy logarit (ln) 2 vế để hạ lũy thừa rối lý luận 1 chút là ra. C = 9 là đúng

    Trả lờiXóa
  6. Mình, một thành viên 10B đọc những bài viết mình nhớ lại ngày xưa, cám ơn các bạn.

    Trả lờiXóa

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt (font Unicode), có dấu (kiểu Telex);