Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Trường THPT Thăng Long 45 năm năm xây dựng và trưởng thành (1965-2010)

                                                                                      nguồn: website trường PTTH Thăng Long
I. VÀI NÉT TIỀN THÂN CỦA TRƯỜNG
    Từ năm 1920, tại Hà Nội có một trường tư thục mang tên Thăng Long, học đến cấp thành chung (tương đương cấp II, THCS bây giờ), đến năm 1935 được mở rộng lên bậc tú tài (tương đương cấp III, THPT bây giờ). Trường Thăng Long nổi tiếng từ lâu đời vì nơi đây đã tập trung nhiều trí thức yêu nước là giáo viên của trường và đã đào tạo nhiều học sinh sau này là những chiến sĩ cách mạng ,giữ nhiều cương vị lãnh đạo trong các tổ chức Đảng và Nhà nước.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ khi Hà Nội bị tạm chiếm, trường vẫn tồn tại cho đến khi giải phóng Thủ đô. Theo chủ trương của Đảng, các trường tư thục được quốc lập hóa và bậc phổ thông chia 3 cấp riêng biệt. Thăng Long cũng vậy: bộ phận cấp I vẫn giữ tên Thăng Long (ở địa điểm ngõ Trạm) -là đơn vị Anh hùng của ngành Giáo dục, bộ phận cấp III rời về phố Trần Hưng Đạo lấy tên là Minh Tân (địa điểm tại nơi nay là trường Võ Thị Sáu). Năm 1960, hai trường tư thục Minh Tân và Nguyễn Huệ sáp nhập làm một, được quốc hữu hóa, có tên là trường phổ thông cấp III Trưng Vương B (gọi tắt là Trưng Vương 3B) học buổi chiều với Trưng Vương 3A  tại phố Hàng Bài. Đến năm 1963-1964, cơ sở này chuyển lại cho cấp II Trưng Vương, Trưng Vương 3B chuyển về ngõ Quỳnh Lôi phố Bạch Mai cùng cơ sở với cấp III Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng).
Theo chủ trương, phương châm giáo dục của Đảng “học đi đôi với hành”, các trường tự tìm cho mình con đường thích hợp. Năm học 1964-1965 Trưng Vương 3B được tổng cục Lâm nghiệp giúp đỡ đưa học sinh khối 10 (nay là lớp 12) đi trồng rừng tại Hữu Lũng – Lạng Sơn. Sau đó, trường đưa thêm hai lớp 9 (88HS) tình nguyện lên lâm trường Hữu Lũng (gần ga Bắc Lệ) để thí điểm mô hình trường vừa học vừa làm.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 05-8-1964, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân. Tháng 4 năm 1965, UBND thành phố Hà Nội ra lệnh cho các trường phải rời nội thành đi sơ tán. Đầu năm học 1965-1966 Trưng Vương 3B tách làm hai phân hiệu: một phân hiệu về Lĩnh Nam –Thanh Trì, một phân hiệu lên lâm trường Hữu Lũng-Lạng Sơn. Theo chủ trương của sở Giáo dục, các trường có quy mô lớn có thể tách ra cho phù hợp với tình hình mới. Phân hiệu Trưng Vương 3B sơ tán tại Hữu Lũng được phép thành lập trường mới và được lấy lại tên cũ là Thăng Long. Trường phổ thông cấp III Thăng Long được ra đời từ đấy.
II. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG - NHỮNG DẤU ẤN KHÓ QUÊN
Chặng đường 45 năm trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cùng với cả nước: Giai đoạn chống Mỹ cứu nước 1965-1970, giai đoạn chuyển từ chiến tranh sang hòa bình 1970-1975 và giai đoạn thống nhất đất nước cả nước cùng tiến lên CNXH, tập thể CBGV và học sinh của trường dưới sự lãnh đạo của các thế hệ thầy cô hiệu trưởng cùng tập thể BGH trường không ngừng trưởng thành và đạt nhiều thành tích.
Đến nay, đội ngũ các thầy cô giáo đều đạt chuẩn và trên chuẩn, có tinh thần trách nhiệm, trung thực, đoàn kết, luôn tìm tòi sáng tạo vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và công tác. Các cán bộ quản lý của trường có bề dày kinh nghiệm,năng nổ,nhiệt tình,dám nghĩ,dám làm, dám chịu trách nhiệm được quần chúng tín nhiệm. Trong nhiều năm qua chất lượng dạy và học của trường luôn giữ vững, mặc dù trường còn nhiều khó khăn: trường nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, đời sống kinh tế của đại bộ phận dân cư không đều. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, éo le đặc biệt. Cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn, khuôn viên trường chật hẹp với diện tích 4.900m2 nên sân chơi, bãi tập của học sinh còn hạn chế. Tuy nhiên tập thể hội đồng Giáo dục nhà trường vẫn luôn nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn dành được những thành tích nổi bật.
Trường có bề dày truyền thống qua 45 năm xây dựng và phát triển, phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt” luôn được giữ vững và ngày càng được nâng cao. Trường luôn thực hiện xuất sắc các yêu cầu, mục tiêu về số lượng, chất lượng dạy và học. Luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố, sở GD&-ĐT Hà Nội. Nhà trường luôn quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực,chủ động sáng tạo của học sinh. Là một trường có kỷ cương, nề nếp giáo dục tốt cả đức dục và trí dục. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm tăng dần từ 99-100 %. Tỷ lệ học sinh nhà trường đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm từ 75-80 %. Năm học 2004-2005 có hai em đỗ đại học với số điểm tối đa 30/30 (chưa kể cộng điểm thưởng). Trường luôn quan tâm giáo dục mũi nhọn, trong 5 năm (2000-2005) trường có 660 học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Thành phố ,trong đó có 19 em đạt giải nhất, có 9 em được tham gia học sinh giỏi Quốc gia và cả 9 em đạt giải (1 giải nhất, 3 giải nhì), 1 em được tham gia thi OLIMPIC quốc tế môn Sinh vật.
Trường luôn quan tâm, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn dưới nhiều hình thức,nhất là đội ngũ trẻ. Hiện nay trường có nhiều thạc sĩ, 2 cao cấp chính trị, 2 nhà giáo ưu tú, 406 lượt GVDG các cấp, 4 CSTĐ, 1GV được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Hàng năm 100% giáo viên tham gia viết SKKN được Sở và ngành đánh giá cao và được áp dụng ngay trong giảng dạy. Trong 5 năm (2000-2005) có 98SKKN được xếp loại (loại A:1;loại B:10; loại C:87).
Chi bộ Đảng nhà trường là một chi bộ đoàn kết,hàng năm đều đạt chi bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc,hàng năm chi bộ kết nạp từ 1-2 Đảng viên mới. Công đoàn nhà trường là một tổ chức đoàn kết,luôn chăm lo tốt đời sống tinh thần vật chất cho công đoàn viên, tạo điều kiện để mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy đạt chất lượng cao. Trường luôn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, công tác "Chữ thập đỏ", đền ơn,đáp nghĩa. Hàng năm thày và trò nhà trường đã ủng hộ hàng chục triệu đồng ,hàng ngàn bộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập tới các bạn học sinh và đồng bào bị bão lũ, thiên tai, ủng hộ các nước bị thảm họa động đất, sóng thần… Thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động giáo dục truyền thống,uống nước nhớ nguồn, báo công dâng Bác… Tổ chức học nghề và hướng nghiệp cho học sinh… Luôn giáo dục cho học sinh ý thức giữ VSMT, giữ gìn cảnh quan môi trường sư phạm trong nhà trường, giáo dục học sinh chấp hành luật ATGT, phòng chống TNXH và ma túy xâm nhập học đường… Nên trong trường những năm qua không có học sinh mắc TNXH và ma túy.
Vì vậy trong suốt chặng đường 45 năm xây dựng và trưởng thành, trường đã dành được nhiều danh hiệu thi đua xuất sắc, nhất là trong giai đoạn 15 năm gần đây:
- Năm 1995 Trường được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.
- Năm 2000 Trường được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì.
- Năm 2005 Trường được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất.
- Trường liên tục đạt trường tiên tiến ,tiên tiến xuất sắc của ngành GD-ĐT Thủ đô, năm học 2003-2004 trường được nhận cờ thi đua xuất sắc của bộ GD-ĐT. Năm học 2004-2005 trường được nhận cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu toàn thành phố của UBND thành phố Hà Nội và nhiều bằng khen của thành phố và sở GD-ĐT.
Chi bộ Đảng liên tục đạt chi bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc. Được nhận cờ 5 năm liền đạt chi bộ trong sạch xuất sắc của Thành ủy Hà Nội (1995-1999). Công đoàn Nhà trường liên tục đạt vững mạnh xuất sắc, năm học 2000-2001 được nhận Bằng khen và cờ của Tổng liên đoàn lao động Thành phố. Năm học 2003-2004, 2004-2005 nhận Bằng khen của ngành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, của Liên đoàn Lao động Thành phố, của Công đoàn GD-ĐT Hà Nội. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường luôn đạt xuất sắc được nhận cờ và Bằng khen của TƯ Đoàn, Thành đoàn Hà Nội, Quận đoàn Hai Bà Trưng.
         Trong không khí tưng bừng phấn khởi cả nước hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng 45 năm thành lập trường, thầy và trò trường THPT Thăng Long quyết tâm phấn đấu giữ vững, phát huy thành tích và các danh hiệu đã đạt được nâng lên một tầm cao mới, không ngừng phát triển toàn diện cả về chất và lượng. Xứng đáng là điểm sáng về giáo dục đào tạo của Ngành và Thành phố, xứng đáng với tên gọi: THĂNG LONG - RỒNG BAY”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt (font Unicode), có dấu (kiểu Telex);