Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Hà Nội… cuối Thu

của Hoài
Thế là đã hết tháng Mười, nhanh thật…
Hàng năm, cứ từ dịp Trung Thu (âm lịch) đến trọn tháng Mười (dương lịch), lòng mình cứ nao nao, bồn chồn khó tả… Có lẽ – theo mình – do mùa Thu là mùa đẹp nhất ở Hà Nội chăng? Tháng Mười, Hà Nội “không thể nói trời không trong hơn” và “mắt em xanh khác ngày thường”…
Ai đã lớn lên ở Hà Nội và từng xa Hà Nội, hẳn hiểu nỗi nhớ Hà Nội da diết đến dường nào… Nhiều bạn của 10B đã xa Hà Nội, nhưng còn định được ngày trở về. Còn mình, mình phải xa mãi… chỉ còn có dịp được ghé, mà không có cơ hội để sống mãi trong lòng Hà Nội…
Đã 3 năm nay, mình trong ban Tổ chức họp đồng hương Hà Nội tại xứ Nẫu. Họp vào dịp ngày 10 – tháng Mười. Diện “đồng hương Hà Nội” ở đây thật rộng: những người quê Hà Nội (không nhiều), những người đã từng lớn lên đến tuổi thành niên ở Hà Nội (cũng không nhiều), những người có vợ hoặc chồng có quê hoặc đã từng lớn lên đến tuổi thành niên ở Hà Nội (cũng không bao lăm)… Năm nay nhiều hơn 2 lần đầu (khoảng 200 người) mà chủ yếu lại là “Hà nhì” (Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông…). Người ở Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà, Gia Lâm… đếm trên đầu ngón tay. Cuộc họp, liên hoan có bia lon Hà Nội (số lượng đủ để uống mệt thì nghỉ rồi uống tiếp), có bánh cốm Hàng Than, có ô mai Hàng Đường; đầu bếp nấu chả cá (cá lăng hồ thủy điện Sông Hinh, nhưng thiếu thì là), bún thịt nướng (hao hao bún chả Hàng Mành), có bánh tôm (tôm đất xứ Nẫu), bánh cuốn (không có đậu phụ, mắm tôm); mình đảm nhận chế biến nước chấm mặn mặn, ngọt ngọt, chua chua, cay cay ngâm đu đủ… Mọi người tự biểu diễn các bài hát về Hà Nội (và Hà Tây). Cũng “hoành tráng” ra phết và dù sao cũng gợi đỡ, ấm lòng…
“Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về…
(Hà Nội ngày trở về - thơ Thanh Tùng, được Phú Quang phổ nhạc)
Còn mình, năm nào mình không về Hà Nội được, lòng mình xác xơ…
Nhiều năm trước, khi về Hà Nội, mình khát khao được tụ họp, gặp gỡ bè bạn, nhất là 10B…, để xà vào quán bia hơi ồn ã, để bỗ bã với “lũ xưa”…
Nhiều năm nay, công việc ít đi Hà Nội hơn, nhưng năm nào mình cũng vẫn cố thu xếp để về được Hà Nội… Nếu không có việc công thì bỏ tiền túi để về Hà Nội – chỉ để lang thang một mình vài ngày, để lòng khỏi xơ xác…
Nhiều đêm một mình lang thang thang từ nhà khách (37 Hùng Vương), đến Cửa Nam, Quang Trung, hồ Thiền Quang, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm,Tô Hiến Thành, Bà Triệu, Tuệ Tĩnh đến phố Huế, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Gai… Cảm giác thật bồi hồi, thỏa mãn cái say đắm Hà Nội, nhưng cũng không khỏi tâm trạng cô đơn, lạc lõng,… Vậy mà, không thể mỗi năm không về, cho lòng khỏi xác xơ…
Những năm học phổ thông, mình có một cái thú kỳ lạ: trời mưa, se lạnh, trùm áo mưa, một mình thả bộ quanh hồ Thiền Quang nhiều vòng…, hương hoa sữa… Mưa càng to, càng thú…
Những năm học ở Xuân Hòa… cuối tuần, nhảy tàu về Hà Nội “như một người Hà Nội”, nhưng nhà cửa, gia đình đâu còn ở Hà Nội nữa. Những ngày đi vẽ ghi ở đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc, đền Hai Bà, tá túc trên gác xép (nhà K)… Rồi lang thang, rồi tủi thân…
Vào Sài Gòn, ở giữa trung tâm phồn hoa của cái thời ăn bo bo, “cột đèn biết đi thì cũng không còn”, để rồi hằng đêm khắc khoải, mong ngóng về Hà Nội…
Ở Phố Biển, mong ngóng tình cờ gặp ai đó trong đoàn lữ khách…
Ở xứ Nẫu, nhiều đêm mình lênh phênh trên bãi biển hoang sơ, nghe sóng biển để ngoắc ngoải về sóng hồ Bảy Mẫu…
Năm ngoái, mình ngồi suốt một buổi chiều bên hồ Thành Công (sau tòa nhà tập đoàn Dầu khí), từ trưa cho đến khi Hà Nội lên đèn. Bà con đi bộ tập thể dục, tập aerobic chả thèm để ý đến một gã khờ đang mê mẩn cái cảm giác cô đơn đến quay quắt…
Mấy năm trước, mình về Hà Nội như về nhà (?!) Bây giờ, mình như “người nước ngoài”, lang thang Hàng Bạc, Hàng Buồm, Đinh Liệt, Cầu Gỗ, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Tô Tịch, Tạm Thương, Yên Thái, Ngõ Trạm, Bát Đàn, Hàng Nón, Hàng Quạt,…
Nay về Hà Nội, mình chỉ còn đến với người thầy già – một KTS tên tuổi – để chia sẻ và được sẻ chia…
Tháng Mười năm 2010, trả lời phỏng vấn VTV-PY, mình có nói rằng, Hà Nội là một thủ đô kỳ lạ nhất thế giới (?): Người sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, khi xa đều da diết nhớ, mong trở về, đã đành; nhưng người không có nhà cửa, thân thuộc, thậm chí chưa từng đến Hà Nội, đều mang trong tâm khảm lòng yêu mến, tha thiết với Hà Nội…
Cuối mùa Thu, còn là cầu ngõ để vào mùa Đông… Đêm mùa Đông Hà Nội còn để lại trong mình bao nỗi khắc khoải của tuổi mới lớn… “Hà Nội ơi, đêm mùa Đông. Anh đi tìm em, như tìm về hạnh phúc” mong manh, hư ảo…
Ôi, nỗi nhớ… muôn đời vẫn thế…
………………………………………

2 nhận xét:

  1. Ông Hoài lày thế mà đa cảm nhể ;-)

    Trả lờiXóa
  2. Ông Hoài này cực kì đào hoa. Tớ chả tin cái " cô đơn " của ông ấy. :-P

    Trả lờiXóa

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt (font Unicode), có dấu (kiểu Telex);