Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Kiến trúc sư “dân sự”

của K. Phạm Văn
Giờ, lớp 10B mình xưa, có đến 2 nhà kiến trúc; một kỹ sư kiến trúc “quân sự” (do Quân đội cử học), một kiến trúc sư “dân sự”. Hắn là nhà kiến trúc loại thứ hai.
Gần 40 năm trước, hắn là cán sự Địa lý, cán sự Thể dục, phụ trách Mỹ thuật tờ báo tường và là Quản ca của lớp. Thời bắt đầu “làm” thanh niên, ham hiểu biết đây đó, luyện tập thể thao, sinh hoạt văn nghệ và phấn khích làm báo tường ra hàng tháng (thi giữa các lớp trong Khối của trường) nên hắn “có giá” lắm.
Ba má hắn là cán bộ miền Nam tập kết. Ba hắn là Vụ trưởng của 1 bộ lớn, má hắn là dược sĩ ở một bệnh viện cũng lớn, nên các cụ được bố trí (bao cấp) nhà ở, một căn hộ khá rộng, có nhiều phòng, có vườn trước-sau nhà, lại gần công viên Thống Nhất. Bạn bè hay tụ họp ở nhà hắn, lúc làm báo tường, lúc họp chi đoàn, lúc học nhóm, khi ăn chè… Má hắn quý bạn bè của con và nấu chè có hương vị miền Nam lạ miệng, khá ngon.
Ông anh tôi đi Liên Xô về, cho quà là một đĩa nhạc, to bằng miệng bát ăn cơm, chỉ ghi độc 1 bản – bản “Chim xanh” – hay tuyệt. Nhà tôi không có máy quay đĩa nhưng nhà hắn thì có, máy Rigonda, loa thùng, nghe thật ấm. Thế là vác đĩa sang nhà hắn để cả hội nghe chung. Nghe mãi thành thuộc.
Từ nhà tôi đến trường hay ra công viên Thống Nhất đá bóng thì đều phải qua nhà hắn. Hai thằng thường đi với nhau, tín hiệu gọi nhau chính là điệu nhạc “Chim xanh” ấy. Trong nhà, khuất sau rặng ty-gôn và dàn thiên lý ngát hương, hễ nghe tiếng huýt sáo “tăng tắng tăng tăng, tắng tằng…” (Xa lắc xa lơ, tít mù…) là hắn biết.
Đá bóng, tôi thường bắt gôn còn hắn đá phía trên (avant). Nhiều khi hắn “đá phản lưới nhà”. Hỏi tại sao, hắn thủng thỉnh: - Luyện phản xạ cho thủ môn. Chẳng biết có phải vậy không mà trình độ bắt bóng của tôi “tiến bộ” trông thấy, dính hẳn lên. Ngoài đá bóng, hắn còn chạy, nhảy cao, nhảy xa,… nên được thầy Quân dạy môn Thể dục cử thay mặt thầy duy trì luyện tập trong những tiết Thể dục. Oách lắm.
Ngoài cán sự Địa lý, cán sự Thể dục và phụ trách Mỹ thuật báo tường, hắn còn hát hơi bị hay.
Tay hắn có nhiều hoa, 10 ngón thì đến 8 hoa. Các cụ ngày xưa bảo nhiều hoa tay thì khéo tay và cả… đào hoa nữa. Có đào hoa hay không thì hắn không khai (?) Nhưng hắn thuộc diện khéo tay, chữ “ẻo lả”… Các số báo tường của lớp, hắn đều trình bày mỹ thuật. Chiêu phun màu bằng bàn chải trên báo tường của lớp là do hắn nghĩ ra, làm cho hình thức tờ báo sinh động, hơn hẳn báo của các lớp khác.
Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, hắn đạt điểm cao nhất trường (hồi đó chưa có tập lệ tôn vinh thủ khoa như bây giờ). Rồi hắn thi vào trường Kiến trúc, học ở  “thủ đô mới” Xuân Hòa, sau chuyển vô Sài Gòn học tiếp mấy năm cuối.
Ngày hắn chuyển vào Sài Gòn học tiếp, thấy tôi học kỹ thuật, tính toán nhiều nên hắn gửi tặng cuốn “Bảng tra 4 chữ số thập phân”. Giở sách ra mà thấy nóng mặt và chột dạ. Trang nào cũng thấy hắn viết tắt tên “thần tượng” của “thằng tôi” thật nắn nót. “- Hai thằng trở thành “đối thủ” từ bao giờ vậy?”, hỏi hắn. Hắn bẩu, đâu có, đó là tên của chính hắn, viết ngược, cách điệu theo mô-tip này nọ mà... Nghe mà ù cả tai. Thì biết vậy, hiểu thêm “khiếu” của bạn. Cầu trời phù hộ để bạn bình yên nơi đất mới, sớm trở thành kiến trúc sư và cũng để khỏi… “đụng hàng” với mình. Hơ… hơ…
Nhận bằng Kiến trúc sư, hắn về miền Trung với gia đình. Đi làm thi công, rồi thiết kế công trình, rồi thiết kế quy hoạch, rồi quản lý… khi đã khẳng định vị trí ở một Sở thì lại… tách tỉnh. Lần này hắn “phải về quê”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thế là ba lô lộn ngược, hắn xa cha mẹ, vợ con để góp phần xây dựng quê hương.
Tôi có dịp đi công tác bằng ô tô, ghé qua thăm lại quê hắn. Bờ biển đẹp hoang sơ (hay do còn hoang sơ mà đẹp?). Thành phố đã  “có nét”, khang trang, sầm uất hơn nhiều so với 35 năm trước, ngày cùng hắn về thăm quê. 35 năm, quãng thời gian đủ dài trong đời người để thấy mình “già đi” và còn hơi ngắn để thấy sự thay đổi của quê hương…
Ngồi với nhau, nhìn ra biển rồi lại nhìn vào thành phố, hỏi thành quả của hắn thế nào trong “nét” phát triển chung ấy. “Muỗi, mình chỉ là muỗi thôi…”. Và vẫn như thủa nào, hắn bẩu: “Công” của mình – nếu có – chỉ là sự quy tụ anh em vì quê hương… Đã lâu rồi, mình chỉ còn là “kiến trúc sư công chức”, nhưng… phản biện, giám khảo cũng còn “sắc” phết”…
Tuy gốc gác gia đình “gộc” là vậy, nhưng hắn không và chắc không bao giờ chịu “đấm không khí”…
Nhiều năm “hy sinh”, xa gia đình để thỏa một niềm đam mê như hắn, tôi không làm được. Và cũng không nhiều người làm được, Kiến trúc sư ạ!

04 nhân vật ngành Xây dựng của lớp B
03/04 nhân vật ngành Xây dựng của lớp B Thăng Long 1972 -1975, trong đó có 02 kiến trúc sư


4 nhận xét:

  1. Công nhận 10B nhiều người tài. :-))))

    Trả lờiXóa
  2. Uidzadza... Lớp các bác tuyền "ngôi sao", mà chã thấy xuất hiện giúp ích jì ở đời... Không biết nay sống dư lào?

    Trả lờiXóa
  3. Khiếp, không biết bạn K Phạm Văn có hư cấu không mà bây giờ tôi mới biết đới. Nếu có thế thật thì lớp mình ngày xưa cũng gớm đấy nhể.

    Trả lờiXóa
  4. Lớp 10B có đến 4 người làm ngành Xây dựng: bà Võ Thanh Hồng, ông Hoàng Nam Sơn, ông Trần Trung Dũng và ông Trần Hoài Nam. Chỉ có mỗi ông Sơn là làm "to" và chắc là nhiều "xiền" nhất.

    Trả lờiXóa

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt (font Unicode), có dấu (kiểu Telex);