Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Hà Nội… cuối Thu

của Hoài
Thế là đã hết tháng Mười, nhanh thật…
Hàng năm, cứ từ dịp Trung Thu (âm lịch) đến trọn tháng Mười (dương lịch), lòng mình cứ nao nao, bồn chồn khó tả… Có lẽ – theo mình – do mùa Thu là mùa đẹp nhất ở Hà Nội chăng? Tháng Mười, Hà Nội “không thể nói trời không trong hơn” và “mắt em xanh khác ngày thường”…
Ai đã lớn lên ở Hà Nội và từng xa Hà Nội, hẳn hiểu nỗi nhớ Hà Nội da diết đến dường nào… Nhiều bạn của 10B đã xa Hà Nội, nhưng còn định được ngày trở về. Còn mình, mình phải xa mãi… chỉ còn có dịp được ghé, mà không có cơ hội để sống mãi trong lòng Hà Nội…
Đã 3 năm nay, mình trong ban Tổ chức họp đồng hương Hà Nội tại xứ Nẫu. Họp vào dịp ngày 10 – tháng Mười. Diện “đồng hương Hà Nội” ở đây thật rộng: những người quê Hà Nội (không nhiều), những người đã từng lớn lên đến tuổi thành niên ở Hà Nội (cũng không nhiều), những người có vợ hoặc chồng có quê hoặc đã từng lớn lên đến tuổi thành niên ở Hà Nội (cũng không bao lăm)… Năm nay nhiều hơn 2 lần đầu (khoảng 200 người) mà chủ yếu lại là “Hà nhì” (Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông…). Người ở Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà, Gia Lâm… đếm trên đầu ngón tay. Cuộc họp, liên hoan có bia lon Hà Nội (số lượng đủ để uống mệt thì nghỉ rồi uống tiếp), có bánh cốm Hàng Than, có ô mai Hàng Đường; đầu bếp nấu chả cá (cá lăng hồ thủy điện Sông Hinh, nhưng thiếu thì là), bún thịt nướng (hao hao bún chả Hàng Mành), có bánh tôm (tôm đất xứ Nẫu), bánh cuốn (không có đậu phụ, mắm tôm); mình đảm nhận chế biến nước chấm mặn mặn, ngọt ngọt, chua chua, cay cay ngâm đu đủ… Mọi người tự biểu diễn các bài hát về Hà Nội (và Hà Tây). Cũng “hoành tráng” ra phết và dù sao cũng gợi đỡ, ấm lòng…
“Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về…
(Hà Nội ngày trở về - thơ Thanh Tùng, được Phú Quang phổ nhạc)
Còn mình, năm nào mình không về Hà Nội được, lòng mình xác xơ…
Nhiều năm trước, khi về Hà Nội, mình khát khao được tụ họp, gặp gỡ bè bạn, nhất là 10B…, để xà vào quán bia hơi ồn ã, để bỗ bã với “lũ xưa”…
Nhiều năm nay, công việc ít đi Hà Nội hơn, nhưng năm nào mình cũng vẫn cố thu xếp để về được Hà Nội… Nếu không có việc công thì bỏ tiền túi để về Hà Nội – chỉ để lang thang một mình vài ngày, để lòng khỏi xơ xác…
Nhiều đêm một mình lang thang thang từ nhà khách (37 Hùng Vương), đến Cửa Nam, Quang Trung, hồ Thiền Quang, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm,Tô Hiến Thành, Bà Triệu, Tuệ Tĩnh đến phố Huế, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Gai… Cảm giác thật bồi hồi, thỏa mãn cái say đắm Hà Nội, nhưng cũng không khỏi tâm trạng cô đơn, lạc lõng,… Vậy mà, không thể mỗi năm không về, cho lòng khỏi xác xơ…
Những năm học phổ thông, mình có một cái thú kỳ lạ: trời mưa, se lạnh, trùm áo mưa, một mình thả bộ quanh hồ Thiền Quang nhiều vòng…, hương hoa sữa… Mưa càng to, càng thú…
Những năm học ở Xuân Hòa… cuối tuần, nhảy tàu về Hà Nội “như một người Hà Nội”, nhưng nhà cửa, gia đình đâu còn ở Hà Nội nữa. Những ngày đi vẽ ghi ở đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc, đền Hai Bà, tá túc trên gác xép (nhà K)… Rồi lang thang, rồi tủi thân…
Vào Sài Gòn, ở giữa trung tâm phồn hoa của cái thời ăn bo bo, “cột đèn biết đi thì cũng không còn”, để rồi hằng đêm khắc khoải, mong ngóng về Hà Nội…
Ở Phố Biển, mong ngóng tình cờ gặp ai đó trong đoàn lữ khách…
Ở xứ Nẫu, nhiều đêm mình lênh phênh trên bãi biển hoang sơ, nghe sóng biển để ngoắc ngoải về sóng hồ Bảy Mẫu…
Năm ngoái, mình ngồi suốt một buổi chiều bên hồ Thành Công (sau tòa nhà tập đoàn Dầu khí), từ trưa cho đến khi Hà Nội lên đèn. Bà con đi bộ tập thể dục, tập aerobic chả thèm để ý đến một gã khờ đang mê mẩn cái cảm giác cô đơn đến quay quắt…
Mấy năm trước, mình về Hà Nội như về nhà (?!) Bây giờ, mình như “người nước ngoài”, lang thang Hàng Bạc, Hàng Buồm, Đinh Liệt, Cầu Gỗ, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Tô Tịch, Tạm Thương, Yên Thái, Ngõ Trạm, Bát Đàn, Hàng Nón, Hàng Quạt,…
Nay về Hà Nội, mình chỉ còn đến với người thầy già – một KTS tên tuổi – để chia sẻ và được sẻ chia…
Tháng Mười năm 2010, trả lời phỏng vấn VTV-PY, mình có nói rằng, Hà Nội là một thủ đô kỳ lạ nhất thế giới (?): Người sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, khi xa đều da diết nhớ, mong trở về, đã đành; nhưng người không có nhà cửa, thân thuộc, thậm chí chưa từng đến Hà Nội, đều mang trong tâm khảm lòng yêu mến, tha thiết với Hà Nội…
Cuối mùa Thu, còn là cầu ngõ để vào mùa Đông… Đêm mùa Đông Hà Nội còn để lại trong mình bao nỗi khắc khoải của tuổi mới lớn… “Hà Nội ơi, đêm mùa Đông. Anh đi tìm em, như tìm về hạnh phúc” mong manh, hư ảo…
Ôi, nỗi nhớ… muôn đời vẫn thế…
………………………………………

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Vài hình ảnh 10B xưa...

Ngày đấy, cách đây hơn 37 năm (gần 38 năm, một thế hệ rưỡi)....; nay, xem lại và ngẫm...







Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Hắn - Lớp phó Học tập

của K. Phạm Văn
               Ba năm học cấp 3 thì hắn làm Lớp phó (phụ trách) Học tập đến hơn 2 năm rưỡi.
               Đầu năm 1973, khi tôi theo gia đình từ nơi sơ tán về, vào lớp 8B thì hắn đã là Lớp phó Học tập rồi.
              Nhà hắn gần nhà tôi. Hỏi chuyện mới biết: 2 đứa ngày mới thôi mặc quần hở đũng thì học cùng trường mẫu giáo, lớn lên một chút thì học cùng trường cấp 2 Đoàn Kết B. Vẻ bề ngoài, hắn ít nói chuyện như... tôi. Thế là hai đứa thân nhau từ đấy.
              Hết lớp 8, vào mùa thi đại học năm đấy, thấy hắn lôi đề thi Toán ra hý hoáy làm. Hỏi hắn làm thế nào; hắn bảo còn mỗi phần tính thể tích hình cầu ở câu cuối - chưa học – nên chưa làm.
Lớp 8, hắn đã giải gần hết đề thi đại học! Quả là siêu, không hổ danh Lớp phó Học tập.
              Lớp 9, hắn tham gia thi học sinh giỏi Toán Hà Nội. Đi thi về, hỏi hắn làm thế nào? Bình thường – hắn thủng thỉnh trả lời. Mấy hôm sau, cô Uyển – giáo viên dạy Toán của lớp, tham gia chấm thi học sinh giỏi Thủ đô năm ấy - cho cả lớp biết: Hắn đã làm nên một sự kiện đáng chú ý tại kỳ thi. Trong đề thi có một bài (*) mà thông thường để giải bài này mất dăm ba trang giấy nhưng bài của hắn chỉ dài “những”... 5 dòng; không hơn!
              Hết học kỳ 1 lớp 10, cô giáo Vật lý đọc điểm để học sinh tính điểm trung bình. Điểm của hắn toàn 10, cả kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết và kiểm tra học kỳ. Chã phải chia, tính gì cho mệt.
              Những năm ấy, phong trào học tập của lớp rất tự giác và hiệu quả. Lớp ra báo tường học tập hàng tuần. Ai có bài hay, bất kể môn gì, thì đưa lên báo và hắn thường có lời giải sớm và hay nhất. Học giỏi nhưng hắn chưa bao giờ ra oai hay “giấu làm của riêng” với bạn bè. Ai chưa hiểu là hắn giúp ngay. Cả lớp thường loay hoay với các bài tập trong “Tuyển tập những bài toán sơ cấp – 3 tập” , rồi "Tuyển tập các bài tập Vật lý, Hóa học". Nhưng với hắn, đam mê lại là giải các bài trong tạp chí “Toán học và tuổi trẻ”. Những tối qua nhà tôi tập đẩy tạ, kéo xà đơn, trong khi chờ đến lượt thì hắn lại tranh thủ giấy bút để nghiền ngẫm với các khái niệm tam giác cầuchuỗi, lượng tử... của Toán và Vật lý hiện đại.
              Đến học kỳ 2 lớp 10, hắn lên đường nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên của Chủ tịch Nước. Đêm trước khi lên đường, bọn tôi qua ngủ với hắn, giúp hắn soạn đồ vào ba-lô. Thấy hắn có hàng tá khăn tay được tặng trong khi mình chẳng có cái nào để vắt vai; thấy hơi chạnh lòng "thằng tôi". Dưng mà “trai tài” sẽ khác, các cụ đã dạy rồi. Cố giỏi như hắn đi!
              Sau 6 năm quân ngũ, hết sân bay Sao Vàng lại Trung Giã, Cát Bi... hắn được ra quân. Tưởng là những tháng năm đời lính gian khổ ấy, hắn quên hết kiến thức. Nhưng không, chỉ với không đầy 2 tháng tự ôn luyện, hắn thi và đỗ ngay vào khoa Chế tạo máy – đại học Bách khoa Hà Nội mà không cần điểm ưu tiên.
               Tốt nghiệp đại học, làm Nhà nước một thời gian, rồi giảm biên... hắn ra làm ngoài tự do. Hiện giờ, hắn là chủ một doanh nghiệp nhỏ.
               Khi bạn bè cùng lớp có đứa đã lên chức ông, chức bà thì hắn mới tính chuyện trăm năm. Ngày hắn đón nàng lên xe hoa, bạn bè, đồng đội cũ từ Nam chí Bắc đã vui mừng chúc hắn yên bề gia thất. Người ta bảo “Trâu chậm uống nước đục”; nhưng với hắn, thì lại không phải vậy…
                Mỗi khi gặp nhau, sau khi luận bàn về đồng tốc, góc cắt, lệch tâm..., hắn làm 10 – 15 vại gì đó rồi... phắn. “Thôi, bọn mày ở lại, tao về. Vợ con đang chờ”. Nghe phát "ghét"! Nhưng hắn biết, hắn đang ở đâu. Cả hội, còn mỗi mình hắn cha "giề" con thơ mà. Và... vợ hắn lại trẻ, khéo “chiều” chồng.
                Đến đây, tự dưng lại thấy chạnh lòng với hắn…
-------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Bài toán (đại ý): Tổng các chữ số của 310.000 (3 mũ 10.000) bằng A, tổng các chữ số của A bằng B, tổng các chữ số của B bằng C. Tìm C” .