Trân trọng cảm ơn cô giáo, các bạn 10B Thăng Long từ miền Nam, miền Trung và Hà Nội đã đến dự và có lời chúc từ xa, chia vui cùng gia đình nhân lễ thành hôn của con gái lớn vào ngày 14-12-2012.
Lớp 10B Thăng Long
Nơi lưu giữ kỷ niệm và gặp lại...
Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013
Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012
Ký ức những ngày B52
của K. Phạm Văn
Cuối 1972, năm anh em tôi sơ tán tại thôn Vân Gia [1], gần nơi trước đó 2 năm diễn ra cuộc tập kích Sơn Tây của lực lượng đặc nhiệm Mỹ [2]. Hàng tuần, phải đạp xe vượt qua quãng đường đi/về trên 80 cây số để lấy gạo, nhu yếu phẩm. Cơm độn đủ thứ, ăn với muối vừng, mà muối là chủ yếu. Rồi lao động chặt tre, đào hầm, hào giao thông ở nhà và ở trường. Cuộc sống thật gian khổ. Thời ấy, ai cũng vất vả nên chẳng cảm nhận được sự gian khổ mà mình phải gánh chịu.
Tối muộn ngày 18/12, chú tôi – giáo viên trường Sĩ quan pháo binh – hổn hển đạp xe đến và “ra lệnh”: Từ đêm nay, có máy bay thì phải ra hầm ngay. Ngủ cả đêm dưới hầm càng tốt. Xong, chú vội vã quay về đơn vị.
Ngủ hầm thì ấm. Nhưng sáng dậy sẽ đau người do “hơi đất” và thiếu không khí.
Nghe “lệnh” của chú xong, 3 anh em trai, đứa soi đèn, cẩm chổi quét hầm chữ A để đề phòng rắn rết, đứa ôm rơm (xin của bác chủ nhà), chiếu, chăn, màn rải sẵn...
Đêm đầu tiên trôi qua yên lành. Tuổi thơ đất Bắc lúc ấy đâu biết đến B52 để mà thức, mà xem B52 bật đèn bay vào Hà Nội. Sáng dậy, những cuộn nhiễu vương đầy ngọn tre. Nghe “đài ga-len” [3] mới biết đêm qua, B52 oanh kích nhiều nơi ở Hà Nội.
Ngày lại ngày. Tin tức B52 rải thảm Hà Nội càng làm cho anh em chúng tôi sốt ruột. “Hậu phương lớn” là bố mẹ chúng tôi, vẫn phải bám trụ tại Hà Nội, liệu có làm sao không? Hòn tên mũi đạn đâu có chừa ai. Khu An Dương, bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát, phố Khâm Thiên… là những cái tên gắn với những người thân, họ hàng trong gia đình và với ký ức tuổi thơ của tôi đang lâm nạn.
Trưa 30/12, tin Mỹ tuyên bố ngừng chiến dịch B52 ném bom miền Bắc đến với tôi khi đang học tiết cuối. Lùa vội bát cơm nguội. Lên xe, trực chỉ Hà Nội. Đường vắng. Mừng và lo. Mừng vì nhiều thứ. Lo không biết gia đình, bố mẹ thế nào?
Phố Gạch, Hát Môn, rồi thị trấn Phùng…
Mấy tháng trước, chúng tôi sơ tán ở Phùng. Đôi lần báo động, kéo nhau lên đê, nhìn về Trạm Trôi xem bộ độ tên lửa bắn máy bay. Tên lửa rời bệ phóng lao đi, để lại phía sau luồng lửa rực hồng. Từng đoàn đại xa cõng trên mình những quả tên lửa SAM đang nổ máy chờ vào vị trí tiếp đạn. Hoành tráng đấy. Nhưng mong rằng đừng bao giờ phải chứng kiến cảnh này vẫn hơn.
Cầu Diễn, Cầu Giấy… Ô Chợ Dừa kia rồi. Coi như về đến nhà!
Nhưng không!
Phố Khâm Thiên cấm đường, chiều từ Ô Chợ Dừa về đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn). Thế là phải theo Hàng Bột, “đánh lên” Quốc Tử Giám, ngoặt vào Nguyễn Khuyến (Sinh Từ), “quẹo phải” vào đường Nam Bộ, rẽ vào Trần Nhân Tông rồi Bà Triệu.
Nhà mình đây rồi. Nhẹ lòng vì cả nhà bình yên.
Quay lại Khâm Thiên ngay buổi chiều. Nghe nói mấy hôm rồi nhưng hôm nay mới tận mắt chứng kiến. Mặt phố. Nhà san sát nhưng im lìm, lặng ngắt. Đi mãi mà chẳng mấy bóng người. Không có cái im lìm ấy thì ai bảo Khâm Thiên vừa trải qua “cơn B52”?
Ngõ Chợ Khâm Thiên. Nhà Xanh (cửa hàng thực phẩm) nơi trước đây thỉnh thoảng mình xếp hàng mua thức ăn tem phiếu, giờ trở nên tơi tả. Những tấm gỗ thưng làm tường, sơn màu xanh, bị hơi bom thổi bay, văng tung tóe. Xoong nồi móp méo mỗi nơi mỗi thứ.
Đối diện với Nhà Xanh qua ngõ Chợ, dãy hầm công cộng phần bị bom đánh sập, bay trơ nóc; phần bị lớp lớp gạch đá của các ngôi nhà bị sập đè lên. Trong tầm mắt, cơ man gạch vỡ, lẫn trong đó là quần áo, chăn màn bị xé toạc, rách bươm. Trước cửa hầm, một đĩa chân giò lợn luộc nguội ngắt bên nén hương sắp tàn. Mùi hương thoảng thoảng như lời than thầm lặng cho những con người xấu số. Thân thể họ còn nguyên đâu đó hay đã tan quyện trong đống gạch đổ nát của hàng ngàn căn nhà bị bom B52 đánh sập đêm 26/12.
Rời ngõ Chợ rẽ trái một đoạn (chỗ bây là là đài Tưởng niệm) là ngôi nhà, gần như là nhà mặt phố duy nhất, bị bom đánh sập. Dưới lòng đường, một chiếc xe cứu thương màu trắng sữa không biết đã đậu ở đó tự bao giờ. Phía sau nhà, trải dài là đổ nát. Một chiếc xe bánh xích nằm trên núi gạch vỡ cần mẫn đào bới. Hai bác sĩ, mặc blue trắng, đang phun thuốc khủ trùng. Có lẽ đâu đó, dưới đống đổ nát kia, còn có những nạn nhân chưa kịp được thu gom dù cái chết đến với họ đã 4 ngày.
Đạp xe tiếp về phía rạp Dân Chủ. Từ xa đã thấy những lọn bông xơ cuốn theo chiều gió. Thì ra, kho bông vải sợi kế rạp bị trúng bom. Đứng trên đống gạch vỡ, nhìn qua bức tường đổ, từng kiện bông xơ, chăn bông, vải bị cháy loang lổ. Hơi bom xé nhỏ các kiện bông. Mái kho bị bom đánh bay và xơ bông trắng theo gió cuốn đi. Nhiều người phải chịu cái rét cắt lòng mà vải dày, chăn ấm cháy thành tro.
Rời Khâm Thiên, theo đường Nam Bộ đến với bệnh viện Bạch Mai.
Đây rồi Bạch Mai, nơi mẹ sinh ra ta, nơi ta cất tiếng khóc chào đời.
Đứng bên này đường tàu nhìn qua, tòa nhà chính của Bệnh viện bị bom đánh sập.
Các cụ có câu “nơi chôn rau, cắt rốn” để nói về quê hương, nói về nơi tuổi thơ ta từng gắn bó. Hà Nội, nơi tôi được sinh ra và lớn lên, “nơi chôn rau cắt rốn” của tôi theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Giờ, nơi “cắt rốn” của tôi là một đống hoang tàn. Cảm xúc trào dâng.
Mấy anh em tôi đã “nếm mùi” bom từ 5 năm trước (1967). Ngày ấy, chiến tranh đã đến bên gia đình tôi, rất gần. Hai tháng, hai trận bom. Trận đầu bom là hơi, bom phá. Mảnh bom văng xa cả trăm mét, xuyên thủng tường đất, bay vào nằm trên giường nhà bên cạnh. Trận sau là bom bi. Chỉ một quả đồi nhỏ nơi nhà tôi sơ tán (Trại Mít, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), đã có 3 nửa quả bom bi mẹ rơi xuống. Ít nhất là 2 quả bom mẹ với hơn 700 trái bom bi con. Vết bom bi hằn trên cột nhà. Bi giắt trên mũ rơm. Trẻ con mò trai, bắt hến (phía hạ lưu cầu Kim Tràng) nhặt được bom bi là chuyện thường. Ấy vậy mà cảm giác khốc liệt của chiến tranh chỉ đến với tôi khi tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát của Khâm Thiên, Bạch Mai.
Chiều mùa Đông nhanh tối. Không còn thời gian để đến khu An Dương. Phải về chuẩn bị để mai “ngược” sớm.
40 năm đã trôi qua nhưng ký ức Khâm Thiên – Bạch Mai ngày ấy vẫn đeo đẳng bên tôi. 40 năm. Ký ức của một thời, như một nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong chiến tranh, trong 12 ngày đêm Hà Nội hào hùng và đau thương ấy.
TP.Hồ Chí Minh, tháng 12/2012
--------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] thôn Vân Gia: nay là khu phố Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội.
[2] Cuộc tập kích Sơn Tây: đêm 20-11-1970, Mỹ cho lực lượng đặc nhiệm tập kích bằng trực thăng vào trại tù binh tại thị xã Sơn Tây nhằm giải cứu phi công Mỹ, nhưng không thành công do tù binh phi công Mỹ đã được chuyển đi trước đó khoảng 1 tháng.
[3] Đài ga-len: là kiểu “máy thu thanh” sơ đẳng theo nguyên lý tách sóng thẳng bằng mạch dao động, “chế tạo” bằng cục “quặng”, các đi-ốt nhặt nhạnh và các “linh kiện” thô sơ (ống bơ sữa, cuộn dây, năm châm...)
Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012
Guinness ngày gặp mặt
theo Thái (Đỗ Mạnh) và Khoa (Phạm Văn)
Bó hoa duy nhất trong buổi gặp mặt, được lớp trân trọng tặng cô giáo Trần Liên Chi, chủ nhiệm lớp 10B.
Ở xa mà lại đến sớm nhất: cựu Bí thư chi đoàn 10B Phạm Văn Khoa (từ TP.HCM ra Hà Nội từ 11/12 để chuẩn bị cho buổi gặp mặt).
Muộn màng nhất (khi đến cuộc gặp mặt): Vũ Minh Châu.
Vẫn ga-lăng như ngày nào: Nguyễn Ngọc Trung.
Tên "Hằng trắng" được giữ lâu nhất... Mong Vũ Minh Hằng “duy trì thương hiệu” cho các hậu duệ.
Sang trọng, đầy đặn: Nguyễn Lê Hạnh.
Nụ cười tươi tắn nhất: Vũ Kim Dung.
“Thọ phong“ bà ông Ngoại sớm nhất: Đào Thị Minh Châu – Trần Mạnh Tuấn (ngày 24-11-2009).
Có cháu đích tôn sớm nhất: nhà ngâm thơ Ứng Mộng Điệp (ngày 07-3-2011)
Tóc ít đen nhất, cũng là người lấy vợ, có con (lần đầu) muộn nhất (52t): cựu Trưởng lớp thứ 2 Đào Vũ Phượng.
Cưới vợ “muộn nhất“ (lần sau): cựu Cờ đỏ của lớp, Đỗ Mạnh Thái.
Hưu trí sớm nhất: trung tá, kỹ sư kiến trúc Trần Trung Dũng (07/2007). Thật nghịch lý khi nay trong ảnh thì còn rất trẻ…
Gội đầu nhanh, rửa mặt lâu nhất: cụ non ngày xưa, Hoàng Nam Sơn.
Râu “dữ“ nhất: Trần Mạnh Tuấn. (Nhưng than ôi!... chỉ là đếm hàng Ngoại).
Người tỉ mẩn, tận tình giữ eo thon thả cho Nguyễn Phương Lan - “bạn gái“ cùng lớp - hiệu quả nhất: Trần Việt Dũng.
Vui nhất (niềm vui nhân hai, nhân ba…): cựu Trưởng lớp Nguyễn Hồng Thu.
Giữ vững bản tính trầm lắng nhất: chị Huyền giề.
“Im hơi lặng tiếng“ nhất: Nguyễn Hoàng Nhân.
“Phồng" lên… nhiều nhất: Nguyễn Tuyết Khanh.
“Lấn chiếm không gian“: Võ Thanh Hồng.
Khiêm nhường, ít thể hiện: Nguyễn Thanh Hòa.
Giữ “sàn (để) diễn” lâu nhất: Phạm Thị An Thúy.
"Mãi mãi tuổi thanh nữ” chăng?: Lê Tuyết Vân
Bất ngờ nhất về nghề nghiệp: Đỗ Mạnh Hùng (vũ sư – dạy khiêu vũ).
Gây ngạc nhiên nhất về cương vị nghề nghiệp: Lê Anh Tuấn (Phó GĐ trung tâm TDTT quận).
Nhạt nhòa: Phạm Thị Nhẹn.
Chưa có gì để nói: Lê Kim Khuyên.
Người duy nhất đeo cravat trong buổi gặp mặt: công chức Trần Hoài Nam .
Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)